Quy định mới của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân

Thứ hai - 09/10/2023 16:15
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 124-QĐ/TW (ngày 4/10/2023) về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Một phiên họp Hội nghị Trung ương 8, khoá XIII.
Một phiên họp Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (ảnh minh họa). Ảnh: Chinhphu.vn

Quy định 124 thay thế cho Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8/3/2018. Quy định 124 gồm 4 chương và 19 điều (so với Quy định 132, giảm 1 điều).

Quy định 124 đã bổ sung nhiều nội dung so với Quy định 132. Trong đó, bổ sung nội dung: “Kiên trì thực hiện nguyên tắc kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị; đánh giá đa chiều; xếp loại chất lượng phải thực sự dân chủ, toàn diện, công khai trên cơ sở phân loại theo đối tượng”, qua đó để công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm ngày càng đi vào thực chất, khắc phục tồn tại, hạn chế trong khâu tổ chức thực hiện.

Lấy kết quả đánh giá, xếp loại của tập thể làm căn cứ để xác định tỷ lệ các mức xếp loại của đơn vị, cá nhân trực thuộc; lấy kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên, qua đó để có cơ sở xây dựng các tiêu chí đánh giá, xếp loại theo hướng giảm định tính, tăng định lượng thông qua sản phẩm cụ thể, bảo đảm sự khách quan, công bằng trong đánh giá, xếp loại.

Bổ sung căn cứ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại nội dung về: tính gương mẫu, ý thức tổ chức kỷ luật, văn hóa giao tiếp, tác phong, lề lối làm việc của cá nhân; tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để đồng bộ với các quy định của Bộ Chính trị.

Điều chỉnh, bổ sung đối tượng kiểm điểm

Quy định cũng bổ sung căn cứ về vị trí việc làm và yêu cầu khung năng lực của từng vị trí việc làm để tăng tính định lượng trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với từng cá nhân.

Về đối tượng kiểm điểm, điều chỉnh, bổ sung đối tượng là “tập thể lãnh đạo các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng, đơn vị sự nghiệp ở Trung ương và địa phương; ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương (bao gồm cả ban thường vụ cấp ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở) và cấp ủy cơ sở”.

Đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng thì không thuộc đối tượng kiểm điểm theo quy định.

Kiểm điểm rõ nhiều nội dung với người đứng đầu

Khi tiến hành hành kiểm điểm, bổ sung các nội dung về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm nêu gương; việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú để cập nhật đầy đủ những nội dung mới trong các quy định của Trung ương, bảo đảm nội dung kiểm điểm được toàn diện, thống nhất, đồng bộ với các quy định khác của Đảng.

Đối với cá nhân là người đứng đầu, ngoài những nội dung kiểm điểm cá nhân để xác định trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ, còn phải kiểm điểm rõ nhiều nội dung, như:

Khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.

Kết quả lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.

Tính năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách...

Đối với trường hợp đảng viên đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau thì đánh giá, xếp loại ở nơi cán bộ đảm nhiệm chức vụ cao nhất.

Quy định 124 giữ nguyên tỷ lệ số lượng tập thể, cá nhân được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vuợt quá 20% số được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” như Quy định 132.

Cấp ủy các cấp, người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hằng năm tại địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị mình quản lý.

Cấp ủy cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức kiểm điểm lại đối với tập thể, cá nhân kiểm điểm tự phê bình và phê bình chưa đạt yêu cầu; xem xét hủy bỏ và xếp loại lại đối với tập thể, cá nhân xếp loại chất lượng không đúng quy định hoặc sau khi xếp loại mới phát hiện có khuyết điểm không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.

 THEO CHINHPHU.VN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây