Chuyển đổi số, kinh tế số sẽ là luồng gió mạnh để người trẻ... cuốn theo

Thứ bảy - 29/04/2023 10:54
Đó là mong muốn của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại buổi đổi thoại với chủ đề "Thanh niên tỉnh Quảng Nam với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số", diễn ra vào sáng 28.4.

Sáng 28.4, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì buổi đối thoại với thanh niên về chủ đề "Thanh niên tỉnh Quảng Nam với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số".

Buổi đối thoại được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 18 điểm cầu cấp huyện, thị xã, thành phố và 241 điểm cầu cấp xã, phường với hơn 2.600 thanh niên tham dự.

‘Cơ sở dữ liệu là tài nguyên quý giá nhất của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0’ - Ảnh 1.
Anh Đặng Ngọc Châu, Bí thư Đoàn khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam, nêu một số kiến nghị và đề xuất tại buổi đối thoại
MẠNH CƯỜNG

Bao giờ phổ cập mạng internet toàn tỉnh?

Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, ông Lê Trí Thanh, cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước đang gặp nhiều khó khăn thì sức trẻ, vai trò của thanh niên phải được khơi dậy tốt hơn nữa để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh nhà. Chính vì thế, lãnh đạo tỉnh luôn dành sự quan tâm sâu sắc, tạo mọi điều kiện cho thanh niên có cơ hội thể hiện bản lĩnh, đóng góp xây dựng tỉnh nhà trên tất cả các lĩnh vực. Buổi đối thoại, thảo luận hôm nay với nội dung về chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số là nội dung vô cùng quan trọng.

Ông Thanh mong muốn đoàn viên, thanh niên mạnh dạn chia sẻ thẳng thắn, cởi mở, hiệu quả, cùng nhau lắng nghe, giải đáp những vướng mắc. Qua đó, xác định các vấn đề, giải pháp để phát triển kinh tế số, chính quyền số phù hợp với thực tế, với từng giai đoạn…

Tại buổi đối thoại, nhiều thanh niên đã đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành về cơ hội và thách thức của tỉnh khi tham gia chuyển đổi số; giải pháp cụ thể để thực hiện chuyển đổi số một cách tốt nhất, toàn diện nhất.

Các đại biểu trẻ nêu một số kiến nghị, đề xuất xung quanh các rào cản nào cho chuyển đổi số; chuyển đổi số áp dụng vào mô hình kinh tế thanh niên sẽ mang lại những lợi ích nào và rủi ro gì? Đồng thời, đề xuất tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tự mở các trang thương mại điện tử và giúp doanh nghiệp tiếp cận với các sàn thương mại điện tử lớn. Vì hiện tại, việc tiếp cận của doanh nghiệp vừa và nhỏ với thương mại điện tử còn khó khăn…

‘Cơ sở dữ liệu là tài nguyên quý giá nhất của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0’ - Ảnh 2.
Nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi tại buổi đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam
MẠNH CƯỜNG

Các đại biểu cũng quan tâm đến những chính sách cụ thể để thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, cơ chế để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc...

Ở các xã vùng cao biên giới, nhiều khu vực dân cư còn chưa có mạng internet nên việc triển khai chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Vậy phương pháp và chính sách nào để thanh niên nói riêng và người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận chuyển đổi số một cách tốt nhất? Dự kiến bao giờ phổ cập mạng internet trên địa bàn toàn tỉnh?

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo các sở, ngành đã lần lượt giải đáp những thắc mắc, đề xuất này.

Chậm trễ, sẽ lạc hậu rất nhanh

Kết luận buổi đối thoại, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng thanh niên có cơ hội, điều kiện, để chúng ta bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này với một hành trang rất căn bản về chuyển đổi số. Không thể nào thoát ra khỏi cái dòng chảy của thời đại, nếu chúng ta chậm trễ sẽ lạc hậu rất nhanh.

‘Cơ sở dữ liệu là tài nguyên quý giá nhất của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0’ - Ảnh 3.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trả lời một số câu hỏi của thanh niên
MẠNH CƯỜNG

Theo ông Thanh, công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, xây dựng chính quyền số vừa là mục tiêu, vừa là nỗ lực thúc đẩy sự phát triển.

Chính vì thế, các bạn đoàn viên, thanh niên, các cơ quan ban ngành, địa phương cần có quy trình, kế hoạch cụ thể. Phải xác định và tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, số hóa công tác điều hành, sử dụng trên nền tảng công nghệ số. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất trong năm 2023 đó là cơ sở dữ liệu số.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng hiện nay cơ sở dữ liệu của tỉnh còn thủ công, chưa có tính đồng bộ, chưa có kết nối lưu thông, chưa thống nhất trên toàn hệ thống, do đó có một số bất cập.

"Cơ sở dữ liệu là tài nguyên quý giá nhất của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Tôi đề nghị chúng ta phải hết sức quan tâm đến vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu số của từng cơ quan, đơn vị. Muốn phát triển kinh tế số để tăng cường khả năng cạnh tranh, khả năng hội nhập thì phải đẩy mạnh sử dụng công nghệ, tập trung cho phát triển chuyển đổi số. Phải đưa công nghệ vào trong công tác nghiên cứu, quảng bá xây dựng thương hiệu", ông Thanh đề nghị.

‘Cơ sở dữ liệu là tài nguyên quý giá nhất của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0’ - Ảnh 4.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu kết luận tại buổi đối thoại
MẠNH CƯỜNG

Ông Thanh cũng kêu gọi tinh thần khát vọng vươn lên của thanh niên Quảng Nam. "Phải có sự cống hiến, khi có sự cống hiến thì tất cả khó khăn, thách thức sẽ dễ dàng vượt qua. Tôi cũng rất mong công cuộc về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số sẽ là luồng gió rất mạnh để bắt buộc chúng ta phải cuốn theo, làm sao đó để phát triển tỉnh Quảng Nam ngày càng phát triển mạnh hơn, nhanh hơn và bền vững hơn", ông Thanh nhấn mạnh.

MẠNH CƯỜNG

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây