ASEAN có tỷ lệ sử dụng internet cao với hơn 70% dân số. Ảnh: Gettyimages
Thuận lợi
Trong số ra ngày 30/5/2023, CNBC cho rằng, Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) có những điều kiện cần thiết để trở thành một nền kinh tế kỹ thuật số (kinh tế số).
Đó là nhờ vào cơ cấu dân số trẻ, am hiểu công nghệ với khoảng 460 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số (chiếm 70% dân số) và tỷ lệ sử dụng internet ngày càng tăng.
Trong đó, nền kinh tế số ở 6/10 quốc gia trong khối ASEAN hay ASEAN-6 bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng 6% mỗi năm. Singapore là thành viên ASEAN số hóa nhiều nhất.
Các nhà lãnh đạo ASEAN thống nhất các chính sách và khuôn khổ quan trọng, như Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 để phác thảo các hành động hướng dẫn hợp tác kỹ thuật số của các chính phủ trong hiệp hội, phát triển khu vực thành khối kinh tế số.
Bà Auramon Supthaweethum - Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, trong cuộc họp mới nhất tại Indonesia vào cuối tháng 5 vừa qua, các quan chức kinh tế cấp cao của ASEAN nhấn mạnh, ASEAN sẽ tập trung tăng cường sử dụng công nghệ số để mở rộng thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên.
Thách thức
Tuy vậy, CNBC trích phát biểu của ông Kenddrick Chan - một thành viên tại Viện Nghiên cứu độc lập Portulans có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho biết, nền kinh tế số giữa các nước thành viên ASEAN phát triển chưa đồng đều vì các quốc gia khác nhau đang ở các giai đoạn phát triển khung pháp lý khác nhau.
Do vậy, ông Kenddrick Chan cho rằng, để tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số, điều rất quan trọng là phải có các khung pháp lý cơ bản. Như các quốc gia cần phải có những ý tưởng hoặc quy định giống nhau để truyền dữ liệu xuyên biên giới.
Nền kinh tế số ASEAN đang mở rộng dù còn nhiều thách thức. Ảnh: Ariseplus-indonesia.org
Bên cạnh đó là khoảng cách phát triển chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Ngoại trừ Singapore, Malaysia và Brunei, các quốc gia ASEAN khác có hơn 40% dân số sống ở khu vực nông thôn - dựa trên ước tính năm 2021 của Ngân hàng Thế giới (WB).
Ví như, Indonesia chứng kiến tốc độ thâm nhập internet nhanh chóng mỗi năm, quốc gia này vẫn trải qua khoảng cách kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn cao, làm tăng nguy cơ khiến một số cộng đồng nông thôn bị bỏ lại phía sau.
Mặc dù ASEAN có tỷ lệ sử dụng internet cao hơn 70% và hầu hết dân số sở hữu điện thoại thông minh, ông Kenddrick Chan cho rằng vấn đề là nhiều người bị chi phối bởi mạng xã hội.
"Họ có thể không truy cập trình duyệt web. Cách nhiều người sử dụng internet luôn thông qua Facebook, Instagram, TikTok. Vì vậy, để tham gia vào toàn bộ nền kinh tế số đòi hỏi phải có nhiều hiểu biết về kỹ thuật số hơn" - ông Chan nói.
QUỐC HƯNG
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn