Trước đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, anh Vũ Trọng G., du khách ở Hà Nội lên internet tìm hiểu thông tin đặt phòng lưu trú tại TP.Hội An thông qua một group chia sẻ địa điểm lưu trú trên mạng xã hội.
Sau khi chia sẻ thông tin về nhu cầu đặt phòng, anh G. nhận được điện thoại từ một người lạ, cho hay là quản lý của một homestay thông báo có phòng lưu trú với giá ưu đãi và đề nghị anh chuyển tiền đặt cọc.
“May mắn nhờ đã đọc được thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo, tôi cẩn thận nhờ bạn bè kiểm tra địa chỉ, xin số điện thoại của homestay này và phát hiện homestay thực tế đã hết phòng lưu trú. Số điện thoại liên lạc của đối tượng tự xưng là quản lý homestay này là giả” - anh G. nói.
Mùa hè cũng là thời điểm nhu cầu du lịch, lưu trú của người dân tăng cao. Nắm bắt tâm lý muốn đặt phòng khách sạn, mua “tour” du lịch giá rẻ của người dân, nhiều đối tượng lên mạng đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị chuyển tiền đặt cọc (từ 30 - 50% giá trị), sau đó chiếm đoạt.
Ngoài ra, Bộ Công an cảnh báo, nhiều phương thức lừa đảo được các đối tượng sử dụng như làm giả website/fanpage của công ty du lịch hoặc đơn vị lưu trú, sau đó làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn, đề nghị nạn nhân chuyển khoản. Sau khi nhận được tiền, đối tượng sẽ chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết và chiếm đoạt số tiền nạn nhân đã chuyển khoản.
Anh Nguyễn Hà, chủ cơ sở lưu trú Bạch Dương Hotel tại Măng Đen (Kon Tum) chia sẻ, trong đợt lễ vừa qua, cơ sở lưu trú của anh bị nhiều đối tượng sử dụng hình ảnh từ fanpage để chào bán phòng trên mạng xã hội cho khách du lịch.
“Trước đợt lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, chúng tôi đã phải đăng bài cảnh báo, thông báo số điện thoại liên lạc, số tài khoản chính chủ duy nhất dùng để thanh toán đặt phòng để khuyến cáo khách du lịch tránh bị lừa đảo. Dù vậy, cũng có rất nhiều người đã bị lừa, chuyển tiền đặt cọc, lặn lội đường xa đến nơi thì mới phát hiện ra bị lừa đảo” - anh Hà nói.
Để tránh bị lừa đảo trong mùa cao điểm du lịch, Bộ Công an cũng đã khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các app du lịch (ứng dụng du lịch).
Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch. Đồng thời du khách cần cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch, mua phòng với mức giá quá rẻ, chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền.
Đối với các trang mạng xã hội (Fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.
Du khách được khuyến cáo nên xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn