Từ hành trình và khát vọng thanh xuân của Bác...

Thứ năm - 16/03/2023 20:13
Đã 110 năm trôi qua kể từ ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc, để lại nhiều bài học quý báu, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Từ hành trình và khát vọng thanh xuân của Bác...
Ngày 5.6.1911 tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là TP.Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi đã lên chiếc tàu mang tên Amiral Latouche-Tréville bắt đầu cuộc hành trình đi ra thế giới tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân.

Hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác là hành trình của tuổi thanh xuân với khát khao cháy bỏng “Giành tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” và kết quả lý tưởng cao đẹp ấy là sự thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam, đánh đuổi được giặc ngoại xâm, gìn giữ và xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự do.

Chia sẻ cùng chương trình “Khát vọng thanh xuân” do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức cuối tuần qua, TS. Nguyễn Thị Hoài Phương - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh của Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, với một sự nhạy cảm đặc biệt, quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước của Bác 110 năm trước đã thể hiện bản lĩnh độc lập và tư duy sáng tạo của người thanh niên yêu nước. Đó có thể xem là sự lựa chọn rất mới, khác biệt và hết sức đặc biệt.

Học tập tinh thần đó, theo TS. Nguyễn Thị Hoài Phương, mỗi thanh niên hôm nay phải thực sự chủ động và mạnh dạn “làm điều khác biệt”. Ở góc độ người làm công tác đoàn, chị Trần Thị Thùy Trang - Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành) đồng cảm: “Là thủ lĩnh thanh niên, chúng ta phải luôn tìm tòi, gầy dựng phong trào mới, đổi mới hình thức tổ chức thì mới thu hút được đoàn viên tham gia”.

Là giáo viên dạy sử, được tìm hiểu và nghiên cứu về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác, chị Trần Thị Thùy Trang cho biết rất cảm phục Bác về “tinh thần tự học và học tập suốt đời”. Đến đâu, Người cũng học, tìm mọi cách để học, tìm hiểu phong tục tập quán ở những nơi mình đi qua để nâng cao tri thức; học nghề để kiếm sống, kiếm sống để hoạt động cách mạng.

Chị Trang chia sẻ: “Bác của chúng ta đã để lại những bài học lớn lao cho thanh niên ngày nay ở tinh thần vượt khó, tự học. Tôi nghĩ mỗi bạn đoàn viên, thanh niên cần phải thật sự coi tự học là nhu cầu, thói quen và là hành vi hằng ngày”.

Chúng ta còn nhớ, tháng 1.1946, trong thư “Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết sắp đến”, Bác khẳng định “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Trong Di chúc, Người đã viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Học tập và làm theo lời dạy của Người, thanh niên hai miền Nam - Bắc đã hăng hái thi đua, xông lên quyết tâm hoàn thành việc thực hiện lời thề “Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc”.

Học tập và làm theo lời dạy của Người, ngay sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, như lớp sóng sau xô sóng trước, thanh niên cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; tích cực học tập, lao động sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, gầy lại màu xanh và cuộc sống mới trên những vành đai trắng, vùng đất hoang vu, đầm lầy, rừng núi.

Và thanh niên hôm nay luôn hăng say, sáng tạo lao động trong nhà máy, thi đua cải tiến kỹ thuật, sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động; đẩy mạnh hoạt động lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp; xung kích có mặt nơi tuyến đầu phòng chống dịch bệnh và khắc phục thiên tai…

Nhớ Bác, học Bác để mỗi bạn trẻ hôm nay nỗ lực hơn trong tự rèn luyện, không ngừng sáng tạo, phấn đấu vì một đất nước “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như tâm nguyện và khát vọng cháy bỏng của Người.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây