Truy tìm những "điểm nghẽn" trong cải cách hành chính

Thứ sáu - 08/12/2023 09:15
Nhiều bộ chỉ số định lượng cải cách hành chính, nhiều văn bản chỉ đạo của các cấp, nhưng cải cách vẫn chưa hóa giải được những điểm nghẽn trong thực thi công vụ. Đây là điều nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa giải trình các ý kiến chất vấn của đại biểu. Ảnh: T.D
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa giải trình các ý kiến chất vấn của đại biểu. Ảnh: T.D

Trách nhiệm đội ngũ công chức, viên chức?

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa, cơ quan này đã mở nhiều lớp tập huấn cho công chức, viên chức về cải cách hành chính, các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng (SIPAS); cung cấp thêm một số kiến thức, kỹ năng quản trị cần thiết về nghiệp vụ cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính cho cán bộ thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; biên soạn cẩm nang, tờ rơi thông tin, tuyên truyền về PAPI và tổ chức thi trực tuyến về cải cách hành chính và chuyển đổi số... Tuy nhiên, các chỉ số PAPI, SIPAS vẫn không được cải thiện.

Mười bốn câu hỏi của đại biểu đặt ra cho cải cách hành chính. Nhiều đại biểu cho rằng, sự vụ này liên quan đến hạ tầng công nghệ, thủ tục thẩm tra đầu tư xây dựng, quy hoạch; đặc biệt là cần đội ngũ chuyên môn thực thi công vụ.

Vì vậy các đại biểu đề xuất cần có cơ chế đào tạo, tính toán đến việc đưa ra khỏi đội ngũ công chức những người yếu kém, nhũng nhiễu. Nếu không quyết liệt cải cách hành chính, thủ tục xây dựng cơ bản, thiếu thanh tra, xử lý cán bộ gây khó khăn, không số hóa hồ sơ, thiếu phân cấp, ủy quyền... thì sẽ không thể nào có được cải cách hành chính hanh thông.

Ngoài ra, rất cần đánh giá việc phân cấp, ủy quyền vừa qua hiệu quả hay không. Tăng cường công nghệ thông tin trong đấu thầu, thanh tra, kiểm tra các dự án, nhanh chóng hoàn tất các quy hoạch vùng, huyện để giải quyết kịp thời cho các địa phương có cơ sở thu hút đầu tư...

Đại biểu Đặng Tấn Phương - Phó ban Dân tộc HĐND tỉnh nói, đã nêu rất nhiều giải pháp, nhưng không thấy đặt ra trách nhiệm người đứng đầu hay việc xử lý như thế khi để cải cách hành chính ngày càng giảm sâu.

Tỷ lệ giải ngân thấp có vai trò cải cách hành chính thì cán bộ sẽ được đánh giá hay xử lý thế nào? Bà Hoa cho rằng, đã có quy chế đánh giá công chức không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khi để hồ sơ trễ hạn 5% trở lên và chỉ số hài lòng dưới 80%. Tuy nhiên, việc xử lý như thế nào xin tiếp thu để tham mưu căn cơ hơn.

Sự suy giảm cải cách hành chính phụ thuộc nhiều vào việc thiếu chú trọng, quan tâm đúng mức các chỉ số này dù không thiếu chỉ thị, quyết định đã ban hành. Đội ngũ công chức, viên chức thiếu năng lực thực thi công vụ, chưa thể đáp ứng chuyên môn...

Các cuộc khảo sát đã chỉ ra tình trạng người dân, doanh nghiệp phải trả “chi phí không chính thức”, “tiền lót tay” vẫn còn xảy ra. Yếu kém nhất của việc cải cách hành chính thể hiện ở tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn quá cao so với yêu cầu (dưới 5%), nhất là cấp huyện đến 23,6%.

Đại biểu Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh đặt câu hỏi việc thẩm định hồ sơ lâu, thủ tục chậm thì làm sao để tốt hơn, giám đốc ngành chịu trách nhiệm như thế nào? Càng cải cách càng lùi, việc nâng cao trách nhiệm, năng lực đội ngũ công chức thuộc về ai? Ngoài ra, ông Đức nói liệu có tình trạng tư vấn thân quen thì việc phê duyệt quy hoạch, thẩm định hồ sơ dễ dàng?

Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, sở dĩ việc thẩm định hay phê duyệt quy hoạch kéo dài là do dịch bệnh, lấy ý kiến kéo dài, tư vấn yếu, chất lượng đồ án yếu nên cần thời gian thẩm định kỹ lưỡng và pháp luật chồng chéo, chưa thống nhất giữa các luật.

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Nhiều đại biểu đã nêu ra thực trạng người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần trước tình trạng giải quyết thiếu kịp thời, đầy đủ của đội ngũ công bộc nhà nước. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ, thông tin, các phần mềm dùng chung của tỉnh chưa thể đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng phục vụ cải cách hành chính (kho lưu trữ điện tử; hệ thống số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống quản lý văn bản và điều hành...).

Tỷ lệ người dân sử dụng cổng thông tin điện tử chính quyền địa phương thấp. Việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương chưa được người dân đánh giá tốt. Chỉ dấu rõ nhất là nhiều người dân chưa sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi làm thủ tục hành chính tại cấp xã phường.

Đại biểu Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nói, việc thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 & 4 vướng mắc. Nguyên nhân cơ bản là hệ thống một cửa điện tử bị lỗi, làm sao khắc phục?

Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông cho rằng, hạ tầng công nghệ chưa được đầu tư. Để có thể đáp ứng dịch vụ công cả người dùng và hệ thống đều phải tương thích và cần phần mềm đồng bộ. Hiện nay chuyện này đang thời quá độ, vừa làm vừa sửa, đào tạo nhân lực. Cải cách hành chính, chuyển đổi số là quá trình dài hơi, chưa thể thấy hiệu quả tốt nhất trong thời gian ngắn được.

Sở Nội vụ ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu, sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh nâng cao ý thức, trách nhiệm công bộc, vai trò người đứng đầu. Cụ thể hơn sẽ chỉ đạo khắc phục những tiêu chí có điểm số, thứ hạng thấp. Quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc chuyển đối số trên địa bàn tỉnh.

Rà soát, nghiên cứu, tiếp tục ban hành các quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ, quy trình giải quyết công việc nội bộ. Thực hiện công bố và công khai thủ tục hành chính nghiêm, đúng quy định, bảo đảm việc tiếp cận, thực hiện thủ tục của tổ chức, cá nhân được đơn giản, thuận lợi.

Ngoài ra, sẽ rà soát lại hệ thống phần mềm ứng dụng tại hoạt động của các cơ quan nhà nước, phần mềm tại bộ phận một cửa các cấp đảm bảo thông suốt, hiệu quả. Sẽ bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức khi đến làm việc; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế các trang thiết bị đã bị hỏng hoặc bị lỗi bảo đảm thuận lợi, kịp thời phục vụ người dân, tổ chức khi đến làm việc.

Bà Trần Thị Kim Hoa nói, điều quan trọng là sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đánh giá lại hiệu quả của việc thực hiện quy chế/quy trình liên thông thủ tục hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực tài nguyên - môi trường, LĐ-TB&XH, KH&ĐT. Kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện vi phạm đạo đức, kỷ luật công vụ, các trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, các trường hợp có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực...

 TRỊNH DŨNG

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây