Dấu ấn đáng kể trong dân vận của Quảng Nam là đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại với nhân dân; chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của nhân dân, nhất là trên lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có nhiều đổi mới theo hướng gắn liền với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách phục vụ đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu
Công tác dân vận trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quá trình lãnh đạo triển khai thực hiện, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế tác động đến công tác dân vận trong hệ thống chính trị cần phải có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy.
Trên cơ sở phân tích tình hình và nguyên nhân, tại Kỳ họp thứ 14 vừa qua, Tỉnh ủy (khóa XXII) đã thảo luận và thống nhất ban hành Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong tình hình mới”.
Với nghị quyết được ban hành, Tỉnh ủy nêu rõ quan điểm: Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng Đảng thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ đó, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đảm bảo mọi chủ trương, cơ chế, chính sách, chương trình, dự án có tác động lớn, trực tiếp đến nhân dân phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung nói: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh.
Việc ban hành nghị quyết của Tỉnh ủy nhằm tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của Quảng Nam”.
Đánh giá qua sự tín nhiệm của nhân dân
Mục tiêu xuyên suốt được đề ra tại nghị quyết của Tỉnh ủy là tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra, xây dựng Quảng Nam ngày càng giàu mạnh và sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Trong 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, Tỉnh ủy nhấn mạnh nhóm nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận.
Định hướng về nội dung này, theo Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác dân vận gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể hóa Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành.
Đặc biệt, Tỉnh ủy yêu cầu phân công lãnh đạo, cán bộ trực tiếp phụ trách công tác dân vận. Tập trung lãnh đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong thời gian qua gắn với kiên trì thực hiện nghiêm các văn bản, quy chế, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Cùng với đó, tổ chức thực hiện nghiêm quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền định kỳ tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ và phục vụ nhân dân. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng tổ chức đảng và chất lượng đảng viên.
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung, tại nghị quyết nêu trên Tỉnh ủy còn nhấn mạnh yêu cầu tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân; tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm, kiến nghị, nhất là những vấn đề liên quan đến khiếu kiện, khiếu nại trên lĩnh vực đất đai.
Cả những vướng mắc trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; ô nhiễm môi trường; thiên tai, biến đổi khí hậu; các tệ nạn xã hội như ma túy, tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao; hạn chế việc phát sinh những vấn đề mới, những vấn đề có tính chất nhạy cảm, dễ phát sinh “điểm nóng”...
HÀN GIANG
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn