KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 - 19.5.2023) - Con người vĩ đại, giản dị

Thứ sáu - 19/05/2023 08:36
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời phấn đấu quên mình cho đất nước và cho hạnh phúc của nhân dân

Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Algeria nổi tiếng thế kỷ XX Kateb Yacine (1929-1989) nhận xét: "Trong tất cả các chiến sĩ của phong trào cộng sản, đối với tôi, đó là con người vĩ đại nhất, vì ông đã biết sống như một con người giản dị và đã chết như ông đã sống; vừa là nhà thơ vừa là chiến sĩ, không có bất kỳ dấu vết nào của sự ích kỷ và kiêu ngạo".

Tư tưởng vì dân tộc

Xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy một sự nhất quán về mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Từ lúc khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng và dân tộc trong cuộc trường chinh chống lại kẻ thù xâm lược với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn khẳng định một lập trường xuyên suốt ngay từ những ngày còn trên đất Pháp: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu" (1).

Đầu năm 1946, sau thắng lợi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, khi được các nhà báo nước ngoài hỏi về mong mỏi của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại: "Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào… Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi" (2).

Con người vĩ đại, giản dị - Ảnh 1.

Bác Hồ sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở Nông Lâm, Hà Nội (tháng 7-1960) Ảnh: TTXVN

Tư tưởng Hồ Chí Minh - với ý nghĩa bao quát nhất - một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, đó là hệ giá trị tư tưởng vì dân tộc. Hồ Chí Minh không có ý định trở thành một nhà tư tưởng, với ý nghĩa đầy đủ của danh từ này, bởi những gì Người nói, viết trong suốt cuộc đời mình là những quan điểm, chỉ đạo, kêu gọi, khuyên dạy, sẻ chia… vô cùng cụ thể, liên quan trực tiếp đến cách mạng Việt Nam, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Đó là những điều cụ thể, cần làm ngay, chứ không khái quát, trừu tượng hay cầu kỳ, bóng bẩy. Song vượt qua vẻ bề ngoài của ngôn ngữ, những điều cụ thể đó đã trở thành những giá trị cốt lõi của đường lối cách mạng giải phóng, là con đường để đi đến "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi".
Sức sống mãnh liệt

Tư tưởng Hồ Chí Minh đơn giản, gần gũi nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Nói đơn giản, gần gũi vì đó là những giá trị xuyên suốt, được đúc kết từ trong truyền thống văn hóa của dân tộc, kết hợp những giá trị tinh hoa của nhân loại, được đặt trong thời đại mới, với yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của cách mạng Việt Nam. 

Nói sâu sắc là bởi vì toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh là chân lý của dân tộc, những điều mà ai cũng có thể hiểu, ai cũng nên làm, nhưng để thực hiện được những chân lý trông có vẻ đơn giản đó thì thường lại không dễ dàng, bởi lẽ: "Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu" (3).

Tư tưởng Hồ Chí Minh có sức sống mãnh liệt bởi những quan điểm của Hồ Chí Minh không khép kín, khuôn mẫu mà chứa đựng những giá trị cốt lõi, mang tính định hướng, do vậy mà luôn mở, phù hợp với những biến động của hoàn cảnh lịch sử. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh - như mọi hệ tư tưởng khác - được hình thành trên cơ sở thực tiễn nhất định. Cho nên, việc vận dụng các hệ tư tưởng vào đời sống thực tại luôn cần chú ý đến sự phù hợp và trên tinh thần linh động, sáng tạo trong hoàn cảnh cụ thể.
 

Đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, Người đã nói rõ về sự biến động không ngừng của thực tiễn, do vậy mà cần thiết phải luôn tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo cho lý luận của con người: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân" (4).

Từ đó, Hồ Chí Minh nhắc nhở phải đề cao ý nghĩa của việc không ngừng học tập, trau dồi, rèn luyện: "Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế, không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân" (5)

Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời gian đã đủ dài để kiểm nghiệm sự chính xác và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh qua những biến động dồn dập của thời đại. Không gian đó đã cho phép chúng ta nhìn rõ hơn được sức bền, giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời cũng đặt ra cho những thế hệ hiện tại yêu cầu của việc phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở vận dụng sáng tạo và linh hoạt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới.


(1) Trần Dân Tiên (1975), "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch",
NXB Sự Thật, Hà Nội, tr.49

(2) "Hồ Chí Minh - Toàn tập" (2011, tập 4), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.187

(3) "Hồ Chí Minh - Toàn tập" (2011, tập 9), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.46

(4) "Hồ Chí Minh - Toàn tập" (2011, tập 9), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.672

(5) "Hồ Chí Minh - Toàn tập" (2011, tập 10), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.377

ThS DƯƠNG THÀNH THÔNG - Phó trưởng Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV TP HCM

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây